Chuyện ăn uống:

Trước hết phải nói qua về cách nuôi dạy trẻ ở Nhật, có rất nhiều điều khác ở VN. Trẻ con Nhật 1 tuổi là biết ăn cơm, và biết tự ăn. Mẹ chúng không phải bón khổ sở như các mẹ Việt Nam. Trẻ con Nhật nhỏ hơn, gầy hơn trẻ con VN cùng độ tuổi, vì thường là chúng không bị nhồi nhét ăn, thích thì ăn, không thích thì thôi. Tuy vậy mẹ chúng không hề sốt ruột. Trong khi ở VN các mẹ cứ như trong cuộc chạy đua thi con nhà ai to hơn nặng hơn, thì ở đây người ta không quan tâm đến cân nặng của trẻ, câu hỏi này chỉ bị hỏi nhiều nhất bởi bác sĩ, vì để kê đơn thuốc. Híc ...còn thì miễn cân nặng nằm trong miền bình thường là ổn. Họ không những không thích con mình to, mà còn thường xấu hổ ngượng nghịu vì điều đó. Phát triển cân nặng không phải là quan tâm hàng đầu nhưng họ rất chú trọng phát triển thể lực. Trẻ con thường từ lúc mới đẻ cũng không được đi tất, mùa đông gió lạnh buốt da chúng vẫn đi chân trần trong khi người lớn đi tất rồi thì dép trong nhà. Nhìn mà xót ruột thay. Nhưng họ bảo thế mới khoẻ. Mình thì chỉ lo con ốm rồi lại sụt cân. Trẻ con Nhật được chơi nhiều trò chơi vận động vì công viên có khắp nơi. 6 tháng tuổi đã chơi xích đu, vì thế bọn chúng tuy nhỏ người nhưng cơ thể dẻo như khỉ, Ổi to hơn mà cồ cộ trông vụng về hơn hẳn. Mà ai bảo chúng nhỏ thì lớn lên chúng còi nào? Người Nhật trưởng thành bây giờ cũng cao to lắm. Mẹ Ổi cứ thắc mắc mãi cỡ L, 2L,3L,....10L thì cho ai mặc nhỉ? Khi mà bố Ổi cũng chỉ mặc cỡ M.

Quay lại với chuyện ăn uống một tý, Ổi là kết quả điển hình của kiểu nuôi con Việt Nam, mà nhờ có việc sống ở đây mẹ mới có dịp nhìn nhận ra. Chăm con quá mức và không đúng cách. Cái gì cũng làm cho con. Trẻ con không có đủ răng làm sao ăn được cơm, vậy là ăn cháo đến 1 tuổi rưỡi, đã quá muộn để tập ăn cơm vì khi đó Ổi đã quên kỹ năng nhai (cái bà mụ dạy lúc 9 tháng). Mẹ vất vả bao nhiêu với việc tập cho ăn cơm. ăn cháo thì không tự xúc được, mẹ xúc cho đến lúc đã quá lớn và quen với việc được mẹ xúc, và giờ gần 4 tuổi vẫn chưa hoàn thiện được kỹ năng cơ bản này. Đi học là kém hẳn các bạn vì ăn chậm hơn. Mẹ phải nghĩ đủ mẹo mới ăn được hết xuất hàng ngày, cứ như chiến công 2 mẹ con hôm nào cũng hỉ hả. Còn bọn trẻ con Nhật thường ăn rất ngoan. Thích ăn, thèm ăn, và ăn nhanh lắm. Đối với chúng ăn là hạnh phúc, còn với Ổi ăn là trách nhiệm. Huhu .... Trong khi mẹ Ổi thường xuyên mời mọc Ổi cái nọ cái kia ăn, thậm chí là ép uổng (nếu đúng bữa), nếu Ổi ăn cái gì mà khen ngon thì mẹ mừng rơn... thì mẹ thèm thuồng nhìn những đứa khác hau háu ăn còn mẹ nó ngăn không cho nó ăn nữa.

Đấy, tuy thói quen ăn uống tệ như vậy nhưng do mẹ vẫn tích cực nhồi nhét nên Ổi vẫn to hơn các bạn Nhật, dù về Việt nam thế nào cũng vẫn bị chê còi. Có điều an ủi là về lý trí mẹ đã hiểu thế nào là tốt, thế nào là cần và đủ, nên mẹ không đau khổ lo lắng như những bà mẹ Việt Nam khác có con 3 tuổi rưỡi 17 kg mà còn kêu gào thảm thiết nữa. Hic hic.... nhưng nói gì thì nói, mẹ vẫn là người VN, và mẹ vẫn thấy mình thích nhồi nhét Ổi. Tệ quá, đến em Na chắc mẹ phải cố gắng thay đổi thôi.

Chuyện ăn thì chắc chắn là kém rồi. Nhưng có một chuyện khiến mẹ luôn tự hào về Ổi so với các bạn Nhật, và thường được các mẹ Nhật trố mắt ngạc nhiên như một điều phi thường, (giống y mẹ Ổi trố mắt thấy bọn trẻ con Nhật ăn). Hihi ..... Đấy là chuyện cái bỉm. Người Nhật không biết cách tập xi cho con, lại dùng bỉm suốt nên bọn trẻ con 2-3 tuổi vẫn có đứa chưa cai được bỉm, chưa biết tự đi tè. Ổi đã gần 4 tuổi rồi mà vẫn có người ngạc nhiên khi nhìn kỹ thấy mông Ổi là mông xịn, không có bỉm. Mà nghe đến chiến tích 1 tuổi rưỡi biết gọi tè gọi ị của Ổi thì cứ gọi là trầm trồ như gặp superman. Haha ...