"Otomari" nghĩa là trú lại, ở lại, có thể nói là một trong những hoạt động đặc biệt nhất, được chờ đón nhất của năm cuối ở trường Mẫu giáo: Cắm trại qua đêm.

Híc, học sinh Mẫu giáo đi cắm trại qua đêm không có bố mẹ. Sự kiện này với người Nhật thì không có gì bỡ ngỡ lắm, còn với mẹ thì quá ....choáng. Lần đầu tiên mẹ được đi cắm trại qua đêm là sinh viên năm thứ 3 đại học - đã qua 18 tuổi, có chứng minh thư nhân dân rồi, quá đủ năng lực trí tuệ và năng lực hành vi rồi, và phải xin phép ông bà ngoại khó khăn lắm mới được. Hehe... Ổi bây giờ chưa vào lớp 1.

Trong năm cuối Mẫu giáo này, lúc nào thầy cô cũng nhấn mạnh: muốn làm nhiều thứ để các con lưu giữ được nhiều kỷ niệm đẹp, về một thời thơ ấu thoải mái chơi đùa. Mới đầu thì không phải bọn trẻ đều thích thú ngay. Điều đầu tiên mà chúng nghĩ đến là sẽ phải ngủ đêm không có bố mẹ. Nhiều bố mẹ cũng lo lắng lắm. Ổi mới đầu cũng không muốn đi, dù với Ổi thì biết chắc sẽ không có gì phải suy nghĩ cả. Các cô giáo ở trường dần dần mỗi ngày lại có những hoạt động chuẩn bị tinh thần cho các con: vẽ tranh chủ đề điều em chờ đón vào ngày Otomarikai, rồi ra ruộng thu hoạch rau cỏ, để chuẩn bị cho hôm đó ăn chiều...

Đến tuần này thì Ổi chẳng còn nhớ mình đã e ngại thế nào nữa. Làm sao không mong chờ cho được. Mẹ đọc chương trình mà phát thèm, thèm lắm mà có được đi đâu.

Chương trình là như thế này:

*) Sáng thứ 7 ngày 26.7.2008

- 10 giờ: tâp trung ở trường

Lên xe đi lên núi picnic.

Ăn trưa trên núi

Chia theo các nhóm: Chơi, leo núi, đi tìm sâu bọ trong rừng. Ổi ở nhóm Hotaru (nhóm đom đóm, gồm có 8 bạn. À, lần này toàn bộ khóa Nentyo đi, nên khoảng gần 100 bạn cơ đấy.

- 3:00 chiều, về trường

Các con cùng thầy cô giáo làm bánh mỳ.

-5:00 ăn tối: sẽ ăn ở ngoài sân trường.

-6:00 trải chăn đệm, chuẩn bị quần áo sẵn trong hội trường của trường (một số Yochien khác các con có thể đi xa và ngủ khách sạn nữa cơ).

- 6:30: Đốt lửa trại

Đốt lửa trại ở sân trường, cùng nhảy múa, hát hò

Cùng đốt pháo hoa

- 7:15: kimodameshi (một hoạt động chơi nhóm gì đó về ma quỉ, hihi...mẹ cũng ko biết nó thế nào). Các anh chị khóa trên sẽ làm ma.

- 8:00 đi tắm (tại bồn tắm nóng Take trong thành phố)

- 9:00 Nghỉ ngơi: thầy cô giáo sẽ đọc truyện dưới hình thức một vở kịch nhỏ

-9:15: tắt đèn đi ngủ

*) Sáng hôm sau, chủ nhật, 27.7.2008

- 6:00: ngủ dậy, gấp chăn đệm, rửa mặt, thay quần áo

- 6:30: thám hiểm sáng sớm, tại Đền ....

Tập thể dục buổi sáng theo nhạc phát thanh, đi tìm sâu 

- 7:30: về trường,

Ăn sáng: bánh mỳ và sữa

- 8:45 Concert: xem một buổi biểu diễn của một nghệ sĩ đã học và biểu diễn ở Đức  trở về, chuyên biểu diễn cho trẻ con.

- 9:30- Tan, bố mẹ đến đón các bé về.

 

Việc đi cắm trại này theo đánh giá của mẹ là một hoạt động rất tốt, không chỉ để lưu lại kỷ niệm mà còn là hình thức giáo dục cho các con khả năng tự lập từ bé, tập độc lập với bố mẹ, tập sinh hoạt cộng đồng.

Từ khâu chuẩn bị, mẹ đã thấy Ổi học được ối thứ rôi. Mẹ gọi Ổi cùng chuẩn bị. Ổi cần phải chuẩn bị cùng mẹ để còn biết mà tự lấy ra dùng. Mẹ đọc danh sách các thứ, mẹ lấy đồ ra cho con, giải thích cho con từng thứ sẽ cần vào lúc nào, còn con check lại, con tự xếp các thứ vào túi, mẹ dạy con cách sắp xếp cho gọn gàng...kiểm tra đi kiểm tra lại vài lần suốt mấy hôm nay. Từ lâu nay, Ổi đã quen tự kakunin (confirm đồ trước khi đi học)rồi. Mẹ định bụng dần dần sẽ tiến tới mỗi khi đi chơi xa, hoặc về VN, mẹ chỉ list đồ, Ổi tự lấy đồ và thu xếp. Rồi cuối cùng sẽ là Ổi phải tự tính toán xem cái gì cần và phải tự list đồ, tự sắp xếp hoàn toàn.

Nhờ có việc tham gia chuẩn bị, Ổi càng háo hức hơn. Sáng, Ổi kiểm tra đồ lần cuối, đeo ba lô, xách một cái túi nặng trịch tươi hơn hớn vẫy tay chào bố mẹ: Hẹn gặp lại bố mẹ vào sáng ngày mai nhé.

Đi chơi vui nhé. Vâng. Về kể chuyện cho bố mẹ nghe nhé: Vâng..tiếng con to, dõng dạc, sải bước dài đầy hứng thú...

 

 

 

Cơm hộp để ăn bữa trưa trên núi có bạn mèo Shimajiro theo đặt hàng của Ổi, vì hôm nay là một ngày đặc biệt mà

 

 

Mẹ ngồi đây, tự nhiên thấy nhớ Ổi vô cùng, thực ra là mẹ nhớ Ổi ngay từ lúc chia tay với con ngoài cửa nhà. Mẹ mềm yếu hơn Ổi rồi nhỉ. Vì mẹ đâu có được đi cắm trại từ hồi mẫu giáo đâu. Không biết Ổi có nhớ mẹ không. Hẹn gặp lại con ngày mai. Chúc con một ngày thật vui và đêm ngon giấc.

 

 
 
 

.

.  
 
.