Mít đang vào thời kỳ phản kháng đầu tiên.

Anh Ổi thì không có, anh Ổi ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ, hiền lành dễ bảo từ nhỏ đến giờ, nên mẹ thấy lý thuyết sao chẳng đúng với con mình...thì giờ Mít chứng minh cho mẹ thấy.

Tức là bạn ấy đã đủ lớn để biết rõ mình muốn gì, và bạn ấy bảo vệ ý muốn của mình kinh khủng khiếp. Có vẻ như bỗng nhiên bạn trở nên vô cùng tai ương, bướng bỉnh.

Bạn ấy lại còn chưa biết nói. Mẹ suốt ngày phải vận hết nội công ra mà nghĩ xem thực ra là bạn ấy muốn cái gì. Trước tiên là phải hiểu đã, nếu không đúng ý bạn ấy thì tình hình càng gay go hơn. Có khi thì phải để màn hình máy tính ở một cửa sổ suốt sáng vì bạn ấy muốn nhìn thấy cái ảnh bố ở đó. Đương nhiên bạn ấy không thể ngồi ngắm bố mãi, nhưng hễ mẹ lén lút quay sang màn hình khác hay tắt đi mà bạn ấy lượn qua thấy không còn thì thôi rồi lượm ơi,...Có khi thì băng teletubies không được hết, mà mẹ thì phát ngán đến cổ cái thứ âm thanh í éo đó rồi. Nhà cửa nhiều lúc lanh tanh bành mà không dám động vào thứ nào của bạn ấy hết. Bạn ấy đòi đọc truyện, nhưng mẹ cứ đọc thì bạn ấy lại quay đi, mẹ quay đi thì bạn ấy lại đòi đọc...Ôi, cứ là phát sốt phát rét cả lên.

Đã thế, gần đây cái bệnh "qui tắc" của bạn ngày càng nặng. Bạn ấy thường ngầm phân công trách nhiệm cho ai việc gì trong đầu bạn ấy, rồi thì cứ phải đúng là như thế. Giả sử Mít ta hắt hơi, ra một đống nước mũi. Mẹ vội vớ tissue định chùi. Ấy, khoan, đâu phải ai cũng hân hạnh được chùi mũi cho bạn ấy đâu. Hức hức, "bấu" "bấu"... (gọi bố đấy), mẹ mà cố chùi là biết tay ngay. Vướng chân vào cái dây điện không tự gỡ ra được, khóc lóc như chó con, nhưng cũng phải là bố gỡ cơ, mẹ không được phép.

Buổi trưa ngủ dậy, mò từ buồng ngủ ra buồng khách. Đến cánh cửa bạn ấy sẽ đứng đó khóc. Mẹ sẽ chạy đến mở cửa ôm bạn vào lòng cưng nựng. Nhưng nếu anh Ổi chạy ra mở cửa thì bạn càng khóc to, kéo cánh cửa đóng lại, đứng đó khóc tiếp. Bao giờ đúng là mẹ mới được. Ăn cơm xong, mẹ và anh Ổi dọn bàn ăn, bạn cũng phải giành lấy một chồng bát lon ton bê ra bếp, sẽ đích thân kiễng chân, với lên để chồng bát đó vào bồn, cho dù chúng có thể lộn tùng phèo xuống đất, không cho mẹ sờ vào giúp. Hôm nào mẹ nhanh tay bê hết bát thì ôi thôi, đau khổ, khóc như thể bị người ta cướp mất miếng ăn đến miệng chứ không phải việc làm ấy. Đi đâu về, bạn ấy tự cởi mũ len, tự cởi găng tay, sẽ nhét găng tay vào trong chiếc mũ, rồi sẽ bê cái mũ ra tủ ngoài cửa, bỏ vào. Áo khoác tự cởi, tự treo vào mắc, tự treo lên giá, loay ha loay hoay như gà mắc tóc...mẹ cứ việc ngồi nhìn cho mà sốt ruột.

Khi kêu bạn ấy làm gì mà bạn ấy không thích, như cất dọn đồ chơi, thì bạn ấy sẽ tảng lờ như không nghe thấy. Nói mãi bạn ấy không nghe, dễ điên: sao mà bướng thế. Mà bực mình dọn luôn hộ bạn ấy thì dọn vào bạn ấy lại vứt ra, lại càng dễ điên nữa. Lúc ấy thì phải hít một hơi, giảm cơn nóng đầu xuống, bảo bạn ấy làm thế này này, rồi để bạn tự làm, rồi khen tới số, thế là lại thấy bạn ấy ngoan dễ sợ.

Mẹ biết rằng chỉ đơn giản là vì bạn đã lớn thêm một bước, muốn tự khẳng định cái tôi của mình thôi. Mẹ biết mẹ không được dập tắt nó, mẹ muốn Mít sau này tự biết mình muốn gì, tự quyết định, tự phấn đấu cho điều mình mong muốn. Thế thì giờ mẹ phải cố mà chịu cái "tôi" ẩm ương 2 tuổi ấy. Chỉ tội cũng phải bình tĩnh, kiên nhẫn mới hiểu bạn ấy muốn gì. Hiểu rồi thì mẹ cứ phải nhịn bạn ấy như nhịn cơm sống ý suốt cả ngày. Đôi khi thì sức chịu đựng của mẹ cũng đến hạn, thế là chiến sự bùng nổ.

Kịch bản đại loại sẽ thế này: Mẹ và Mít đi chợ. Hai túi xách đều nặng, nhưng bạn ấy đòi xách một túi. Mẹ bảo: Nặng lắm, con không xách được đâu. Bạn ấy không tin. Mẹ cho xách thử: bạn ấy khệ nệ lôi không nổi. Mẹ đành xách rồi cho bạn ấy ghé tay vào, bạn cứ tưởng mình xách nên vẫn ok. Chỉ khổ mẹ cứ phải cúi cúi lệt xệt đi cùng bạn ấy. Mãi mới về đến cửa nhà. Mẹ bảo bạn ấy phải cởi giày ra đã, nhưng bạn ấy không thèm nghe, chỉ quan tâm đến mỗi cái túi đồ, định cứ thế xách tiếp vào nhà. Mẹ nói mấy lần không được. Đáng ra, nếu tâm trạng mẹ vui vẻ, thì mẹ sẽ nghĩ ra cách dung hòa được Mít đấy. Nhưng mà lúc ấy thì cơm sống nuốt không trôi từ sáng nó ứ đến cổ, lại thêm cái cục suốt đoạn đường về, thế là mẹ lên cơn bực mình, tét nhẹ vào tay bạn một cái sẵng giọng rằng: "không xách vội, cởi giày ra đã". Ôi thôi, mồm nhệch ra, âm thanh cao vút. Bạn ấy chỉ muốn xách túi thôi mà mẹ cũng không cho. Tủi thân quá,...wa wa....wa...Èo, giờ nghĩ lại thì mẹ phải nhận lỗi là mình nóng tính quá. Chứ lúc ấy thì mẹ chán cơm sống quá rồi. Mẹ kệ bạn ấy, xách luôn cả hai túi vào nhà. Thế là bạn ấy gào thống thiết ngoài cửa. Mẹ gọi vào dỗ dành cũng không được nữa, bạn ấy cứ chạy vào nhà gào, thấy mẹ định ra dỗ là bạn lại chạy ra cửa. Hehe...tất nhiên mẹ biết cách giải quyết hậu quả, nhưng sau vụ đó, đi chợ là mẹ phải xin thêm 1 túi nhỏ, bố trí cho bạn ấy một món đồ nhẹ nhẹ. Trông lệch thệch xách lại yêu thế cơ chứ.

Ngày nào mà bạn ấy không oe óe một vài lần thì ngày đó phải tuyên dương bạn ấy. Híc, mà thực ra là tuyên dương mẹ mới đúng chứ nhỉ, nuốt cơm sống có dễ gì đâu.

 

- Với anh Ổi:

Mẹ học lỏm trên tivi chương trình dokidoki wakuwaku một trò chơi rất hay. Lấy một tờ bìa dài gấp nhiều lần, rồi vẽ lên đó, khi mở dần ra sẽ giống như tàu vũ trụ đang bay dần lên trời, hay như một cây hoa đang lớn, đâm nụ, nở bông,...Ổi đi học về, mẹ liền biểu diễn cho Ổi xem. Ổi tất nhiên rất thích, cũng đòi tự làm. Nhưng Ổi không biết tính toán vẽ các hình trên giấy và gấp thế nào để khi mở ra hình nó lên liên tục. Ổi cứ hỏng lại cắt tờ khác, lại hỏng giống y như trước. Cắt đến lần thứ 5, thì Ổi bực. Mẹ mới đầu thì cũng khuyến khích con làm lại, nhưng thấy con không chịu suy nghĩ, cứ làm lại vẫn sai nguyên lỗi đó, cứ vứt bìa vèo vèo thì mẹ tiếc quá, cũng bực: Con phải suy nghĩ cho kỹ xem tại sao không được? Sai ở chỗ nào rồi sửa thì mới được chứ, cứ làm lại lại vẫn giống như cũ thì vẫn sai. Bla bla,...mẹ nói xong con bảo: Thôi, con chẳng làm nữa.

Chỉ vì một giây thiếu kiên nhẫn của mẹ, nghĩ gì nói đấy mà cuối cùng phản tác dụng. Việc con có làm được trò chơi đó không chẳng có gì quan trọng, quan trọng là mẹ con mình có một giờ chơi vui vẻ, là nuôi dưỡng con ý muốn thử sức, muốn sáng tạo. Nhưng giờ thì có khi con chẳng bao giờ muốn thử nữa mất. Lại ân hận, dằn vặt mình, giá mà lúc ấy bình tĩnh thì mình sẽ nói thế này, giá mà mình nói thế kia.

Ổi cũng bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề mệt mỏi của con trai: mải chơi, luộm thuộm, lề mề. Không nhắc nhở liên tục không được, nhưng cũng vì Ổi quá ngoan, biết sợ bố mẹ, nên mỗi lần chót cao giọng với con, mẹ lại ân hận vô cùng.

Đúng là nuôi dạy con mới hiểu thế nào là chữ "nhẫn". Có ai bán lòng kiên nhẫn tôi mua....