Chào tuổi thứ 3, Mít đã là em bé cao 88.5 cm, nặng 14,5 kg.

Mẹ vẫn luôn mất thời gian rất lâu mỗi lần thay bỉm cho Mít, vì phải chơi với hai cái đùi mũm mĩm mềm mại của em đến lúc em é é xin tha mới thôi.

Năm nay đầu tháng 4 nắng đã rất ấm, đến mức chỉ có vài ngày mà Anh đào nở tung tóe, sớm đến cả nửa tháng so với năm ngoái. Sinh nhật, Mít được trời đất tặng cả một rừng hoa.

 

Ở nhà, mẹ cũng cùng Ổi lên kế hoạch chuẩn bị sinh nhật Mít, đi mua sắm các thứ. Rồi bố in chữ màu, bố và Ổi ngồi cắt chữ, dán lên tường - HAPPY BIRTHDAY Anh Nguyen – 2 tuổi. Ổi khoái nhất nhiệm vụ được giao thổi bóng bay. Thổi bóng bay là hơi phải khỏe, Ổi mới làm được gần đây thôi đấy, thổi mê man đầy cả nhà bóng. Rồi hai anh em đùa nghịch với lũ bóng bay, váng cả nhà. Mẹ làm bánh gato. Ổi bảo: “Vì em là bé nhất nhà nên phải làm sinh nhật to nhất”. Mẹ thật vui khi nghe Ổi nói vậy. Ổi đúng là oni-chan thật sự. Còn mẹ, làm sinh nhật em như vậy cũng vì Ổi đấy. Cho Ổi vui, cho Ổi học quan tâm tới mọi người. Ổi chưa có quà gì tặng em, liền vẽ một cái bưu thiếp, và thổi một quả bóng bay thật là to, cho vào túi nilon, đề bên ngoài "Quà tặng Mít". Rồi cũng tặng em rất là trân trọng, Em cũng cúi đầu nhận, mặc dù bóng bay lăn lóc khắp nhà. Hihi....Mẹ cứ tưởng Mít bé thế chưa biết gì, thế mà hình như Mít cũng cảm nhận được, suốt mấy ngày cứ chỉ tay lên mấy chữ Happy birthday trên tường mà hát “tiu tìu tiu”… (Happy birthday to you thì thành ra là như thế).

 

 

 

Bây giờ xem bé yêu 2 tuổi làm được những gì nhé..

- Học Ăn:

Học ăn, học nói, rồi mới học gói học mở mà.

Nếu coi bài học ăn được 10 điểm là hoàn thiện thì mẹ cho Mít 7 điểm. Ăn mọi thứ trên đời, cả xà lách sống,...không kén chọn, cái gì cũng xơi, bắp cải luộc có thể chén bay 1/2 đĩa to của cả nhà. Ngồi nghiêm chỉnh trên ghế, không tivi, không đồ chơi, bữa ăn nhanh chóng. Cái bàn ăn 4 góc 4 người, bé con bé tý ngồi ăn như ai, và về cơ bản là ai lo phần nấy. Cũng thích ăn bằng đũa cho giống hẳn mọi người nữa. Ăn mỳ ý cũng ra sức ngoáy ngoáy cái dĩa cho xoắn mỳ vào, sành điệu cực...

Biết cố gắng ăn hết suất, có khi chưa hết mà định xuống, mẹ nhắc: “đã hết đâu”, thế là lại ngậm ngùi ngồi lại ăn tiếp, xong hét ầm lên khoe: “ăn xong…”. Hihi. Mẹ húng lìu quá nhỉ. Mẹ không ép uổng, cũng nhiều khi đành cho con bỏ mứa. Nhưng mẹ cũng muốn Mít hiểu là cần ăn cho hết.

Biết tên thực phẩm, món ăn, gọi đích danh: tôm, cá, xịt, trứng, đậu...dù chế biến ở dạng nào. Nhớ đến cả món lạc, dù lần ăn gần đây nhất cũng vài tháng rồi.

Mít vẫn thích thịt, rau hơn cơm. Nhưng mẹ nhắc thì cũng chấp hành xúc thịt kèm cơm, hoặc ăn thìa cơm rồi mới lại được ăn thức ăn. Có bữa vừa ăn vừa lẩm bẩm: xịt, cơm, xịt, cơm...hehe...có bữa còn cứ xúc thìa cơm, quay sang cắn một miếng trứng. Xong tự bảo: cắn…miếng… (chỉ cắn 1 miếng thôi, không được tỏm cả miếng to vào mồm). hehe… mà cắn dè lắm, miếng trứng bé tý bằng hạt gạo mà vẫn chỉ nhấm nhấm một mẩu rồi lại khoe: “cắn…miếng”…rồi lại một thìa cơm rõ to…, thương thế chứ.

Xúc ăn khá là gọn ghẽ, có thêm cái yếm lòng máng nữa là hầu như mẹ chẳng phải dọn dẹp gì. Có khi vét bát cơm đến sạch bách thế này cơ mà.

 

 

Mít ăn phở bữa sáng

 

 

Rồi sau đó tráng miệng sữa chua

 

 

 

Mít ăn bánh mỳ bữa sáng

 

 

Tất nhiên gọi là tự ăn nhưng không phải lúc nào cũng tự nguyện nhiệt tình từ đầu đến cuối. Có bữa chỉ tự nguyện vài thìa đầu, có bữa dỗ cũng không ăn hết, còn phần lớn là ngoan ngoãn nghiêm chỉnh được khoảng 1/2, phần cuối diễn viên phải được cổ vũ, thúc giục, mới xúc hết cơm. Kể ra thì 7 điểm có khi cũng hơi rẻ nhỉ... hì...bé mới 2 tuổi thôi mà. Đến 3 tuổi mẹ tin là sẽ hoàn thiện thật. (Y tá dinh dưỡng bảo thế, 3 tuổi mới hoàn thiện manar ăn uống được). Với lại, mẹ tự nhận thấy nếu khi nào con không nhiệt tình ăn ắt là do mẹ thôi, thế nào cũng là bữa trước ăn nhiều, vận động ít. Chứ lúc đói xem, có lần còn vớ bát cơm nguội trên bàn, mẹ cho cái thìa, quay đi quay lại đã thấy con chén hết lưng bát cơm nguội không người lái. Nhất là các bữa sáng hoặc bữa trưa, cảnh thường thấy là hai mẹ con mỗi thằng một suất, mẹ cứ việc vừa ăn vừa cắm mặt vào máy tính tranh thủ lướt web, con ngồi cạnh hì hục xúc...Hehe...mẹ chẳng gương mẫu gì cả nhỉ. Yêu nhất mỗi khi thằng Mít ăn hết rồi lại hét: "nứa, nứa, ăn nứa..."

Tóm lại, mẹ rất nhàn về việc ăn của Mít.

 

 

 

 

 

- Học nói:

Vốn từ của Mít bùng phát khi tròn 2 tuổi, bước sang tuổi thứ 3. Mẹ đếm thử dễ đến vài trăm từ, nói chung không xuể... đủ cả danh từ, tính từ (cứng, đau, to, nhiều, đẹp...), động từ cũng rất phong phú… những động từ rất hiếm dùng như Đánh (cầu lông) – không hiểu học ở đâu, Hay từ "gõ" (búa), “buộc” tóc - mà mẹ rất ít buộc tóc nhé. Như vậy là về mặt tích lũy thì cũng ổn. (2 tuổi bé chỉ cần có vốn từ từ 50-80 từ là ok). Chỉ tội Mít vẫn chưa nói được từ dài, hay chưa thành câu liên tục.

Tuy còn kém xa các bạn cùng tuổi, nhưng dù sao Mít cũng tiến bộ rất nhiều trên nhịp riêng của con. Nói âm rõ ràng hơn nhiều rồi.

Mẹ bảo, Mít cứ bắt chước như vẹt

Mít cũng bảo: Vẹt

---

Có bịch bỉm mới mua, về đến gần nhà thì mẹ để ở hàng rào, tính ghé vào cửa hàng cạnh nhà mua thêm ít rau nên chẳng xách theo bịch bỉm làm gì. Mít không chịu, đòi xách đi theo. Mẹ bảo: Không ai lấy đâu mà lo. Mít: lo. Mẹ: không lo. Mít: lo….hihi…

---

Suốt ngày léo nha léo nhéo cái giọng trong veo, chỉ đạo, thuyết minh các việc mẹ làm. Mẹ nấu cơm thì đứng cạnh. Bật, bếp, lừa (lửa), cháy. (mẹ bật bếp, lửa cháy đấy). Rau...cho...(cho rau vào nồi đi). Mẹ bôi son thì: Chem, Míc ...chem (Mít xem), vé...mồm (vẽ mồm), hihi...mẹ vẽ xong con phán: chinh (xinh).

---

Mẹ mua phải quả dưa nhạt, Mít ăn đến miếng thứ hai là thôi. Mẹ lẩm bẩm: “Dưa ngon thì ăn như thuồng luồng, dưa nhạt thì chê”.

Mít: ờ, chê

Mẹ tẩm đường vào nhé.

Mít liếm một cái, phán: “Cay”

Hehe…cái gì không định ăn thì đều đổ cho là cay hoặc chua hết.

---

Mẹ: oài...mệt quá đi mất.

Mít: ài..mệt.

...mà chả thấy nó mệt gì, nói xong nó nhăn nhở cười.

---

 

Mẹ hỏi: bạn mèo kêu thế nào?

Mít: ngheo ngheo

Mẹ: bạn vịt kêu thế nào?

Mít: cạc cạc

Mẹ: bạn chim kêu thế nào?

Mít: chích chích.

Mẹ: thế bạn ếch kêu thế nào?

Mít, nghĩ ngợi một lúc: tu tu...

Mẹ bảo: bịa. Bạn ếch kêu ộp ộp chứ.

 

Lần sau, mẹ lại hỏi: Bạn mèo kêu thế nào?

Mít: ngheo ngheo

Mẹ: bạn vịt kêu thế nào?

Mít: cạc cạc

Mẹ: bạn chim kêu thế nào?

Mít: chích chích.

Mẹ: thế bạn ếch kêu thế nào?

Mít trả lời không đắn đo: Bịa.

Haha...

 

 

 

- Hói gói học mở:

- 2 tuổi ngoài việc tự ăn, Mít biết tự đánh răng, tự rửa tay, lau khô tay. Đến giờ ngủ, tự vào giường, đắp chăn nằm chờ mẹ (mẹ phải ngồi bên). Tự đi giày, tự cởi giày rất khéo. Cởi xong bao giờ cũng xếp gọn ghẽ, thẳng thớm, hai chiếc giày song song với nhau không lệch ly nào mới được. Đi đâu về tự cởi áo khoác, treo cất. Mỗi lần thay bỉm xong, tự mặc quần (mẹ giúp 1 tý tẹo. Đến bữa giúp mẹ dọn cơm, bê bát ra bàn, so đũa chia thìa. Giúp mẹ bỏ quần áo vào máy giặt, gỡ quần áo khô khỏi giá phơi, gấp, bỏ vào giỏ đi cất. Tắt tivi, tắt đèn, đóng cửa, giật nước toilet...là địa bàn hoạt động bất khả xâm phạm của Mít rồi. Hehe...thôi, không kể nữa kẻo bị kiện vì bóc lột sức lao động trẻ em mất.

 

Những "người đàn ông chân chính" của nhà mình.

 

 

Mời bố nghiệm thu nhé. Con trai ổn chưa?

 

 

Làm được việc gì xong là nó sướng lắm, hoan hỉ: "được"..."được"...(làm được rồi...). Nhìn nó cười mẹ cũng thấy bõ công kiên nhẫn.

 

- Biết gọi mẹ đòi "ăn cơm" khi đói, "uống nước" khi khát. Biết gọi ị. Bắt đầu biết gọi mẹ cho đi ị. Mè, i i, đi… (mẹ ơi, con buồn ị, đi ra toilet đi)… lon ton ra toilet. Mẹ nhiều lần hí hửng tụt quần cởi bỉm đặt con vào toilet xong chờ chán con chẳng ị, mẹ nản lần sau gọi không tin nữa, thì nó lại ị ra bỉm. Có khi thì ị xong rồi mới báo cáo: "cứt, đít". Hihi...Ị xong rồi mẹ vẫn phải cho vào ngồi toilet cho quen. Lần nào ị được ra toilet mẹ mừng như bắt được vàng. Cố lên nhé. Hè này quyết tâm bỏ bỉm nhé.

 

- Bệnh bắt chước anh càng ngày càng nặng. Mà chỉ thích bắt chước Ổi thôi, không thấy bắt chước bố mẹ chứ. Cứ tưng tửng tưởng như không để ý ai, nhưng camera hết mọi cử chỉ âm thanh của anh, phát lại y xì đúc. Nhất là những lúc ngồi ô tô, anh Ổi nói chuyện với bố mẹ, toàn những chuyện bom nguyên tử, hay chuyện tại sao mặt trời cuối ngày màu đỏ...nó chả hiểu gì, thế mà cứ thản nhiên xì xồ nói leo như thật.  Cuối mỗi bữa cơm cũng thế, sau khi cơm no rượu say, bắt đầu để ý xung quanh, nhại lại anh rồi cười rất đểu...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đấy, có giống con khỉ con không?

 

 

Anh ấy mới tài giỏi làm sao

À, hiểu rồi, mồm phải chu lên thế chứ gì.

 

 

 

 

 

Này, anh cho chú 1 điếu.

 

 

 

Mình biết ngay mình cũng làm được mà

 

Cũng nhờ thích bắt chước anh Ổi mà đi bác sĩ không khóc nhè nữa đâu. Vạch bụng cho bác sĩ nghe tim phổi, há miệng thật to cho bác sĩ khám họng, nằm xuống cho bác sĩ nắn bụng…xong rồi. Chẳng khóc tý nào. Tiến bộ thật.

Tiến bộ vượt bậc ý chứ. Không dính mẹ chằm chặp nữa. Thỉnh thoảng mẹ chạy ù sang Sunmart mua cái gì là để hai anh em ở nhà trông nhau được rồi. Ngoan lắm, đập tay mẹ, đưa ví cho mẹ, xong rồi bye bye. Mẹ gặp ai ngoài chợ còn buôn chuyện chán, về vẫn thấy ngồi đâu yên đó chơi ngoan với nhau, yêu thế cơ chứ. Có lần chỉ có hai mẹ con ở nhà, còn chịu chơi đồ chơi trong nhà một mình để mẹ đi đổ rác nữa. Lớn thật rồi.

 

- Tưởng tượng: Mít chơi xúc cát, tưởng tượng ra là đang nấu cơm. Cát khô, đổ vào bát nó bốc bụi lên mù mịt, Mít bảo: nóng, nóng...hehe...chắc thấy giống thức ăn nóng bốc hơi. Xúc được bát nào mang ra cái ghế công viên bảo là "để lên bàn", giống hàng ngày vẫn giúp mẹ dọn mâm.

Từ hôm đi Saitama về, Mít chhuyển sở thích từ dây điện sang các thể loại tàu. Đi đến đâu cũng tưởng tượng ra đường ray, cắm cúi chạy đúng đường đó, vừa chạy vừa lẩm bẩm: "Chàu chàu…"

 

 

Sao tàu chạy cứ trục trặc. Mình cứ phải sửa chữa suốt thôi.

 

Những viên sỏi này là mẹ mua để dạy Ổi chơi Ô ăn quan, Mít lúc thì lấy để làm cơm chơi đồ hàng, lúc lại lấy để xếp thành "chàu" đấy...

 

- Vận động: Biết lường nguy hiểm rồi. Không liều bừa như hồi bé nữa. Qua mùa đông tuyết, không được chơi cầu trượt, mới đầu mỗi lần ra công viên lại mất 2-3 lần đầu "ngá, ngá...", sợ chùn chân lại, mẹ phải trượt cùng. Rồi một lần mẹ nghĩ ra một kế cho bạn đá trèo lên thang canh cách, trượt xuống. Mít vốn yêu bạn sỏi đá lắm, cứ ra đường là nhặt đá ôm khư khư. Thế là từ đó, ra công viên là nhặt đá, leo lên cho đá leo cùng, trượt cùng bạn đá. Trượt mãi không chán.

Đu xà nhẹ tênh này. Ai bảo tớ ục ịch nào?

 

 

 

- Của Mít chứ: Ối ối, thần giữ của. Đi công viên, mẹ nói mãi chẳng chịu về. Mẹ cứ cất mấy cái xẻng xúc cát vào túi nó lại quẳng ra, ném thật mạnh xuống cát như khẳng định vị trí cái xẻng phải là ở dưới cát. Mẹ thấy không ăn thua liền rủ nó chuyển sang chơi xích đu. Nó cười tít cả mắt với cái xích đu, tưởng chẳng biết trời đất gì. Thế mà khi có bạn khác vừa sờ vào cái xẻng của nó, nó tia thấy ngay. Mặt nó biến sắc, bỏ xích đu đấy, chạy ra, nhặt hết đồ của mình cho vào túi. Hehe...Mẹ tưởng nó chịu về, mừng quá. Ai ngờ nó đem cái túi đồ xúc cát ra để cạnh cái xích đu, rồi đòi chơi tiếp...Mặc cho thằng bé kia gào khóc thảm thiết vì thèm bộ xúc cát có hình tàu Thomas của nó. Hehe...Kinh thật.

 

Nó đấy, trông "hiền lành" chưa

 

- Trần văn Bướng: Có lẽ phải đổi tên cho Mít thôi. Mít á, một mặt thì "ướt nhoét", hơi tý là tủi thân ngoạc mồm ra, vừa khóc vừa than "mắng, mắng"...(bố/mẹ mắng con...huhu...), mà có ai mắng gì đâu, một mặt lại cực kỳ "chì". Lúc nào nó đã không muốn cái gì thì đố mà dụ dỗ hay bắt ép được nó. Mẹ bảo, "mẹ gọi Mít ơi, thì Mít dạ nhé". Rồi mẹ gọi: "Mít ơi". Nó cứ mím mồm vào, không chịu dạ, rồi cười tủm tỉm trêu ngươi mẹ. Nó biết thừa cái đũa gọi là đũa, nhưng nó cứ gọi là thìa, hỏi thế nào nó cũng bảo thìa...chỉ có một cách làm nó buộc phải nói đúng là cho anh Ổi nói, y như rằng nó sẽ theo đuôi y đúc. Cái ý muốn bắt chước anh Ổi mạnh hơn tính bướng của nó. Haha...Nếu có một điều kiện gì kiểu "Ông có chân giò, bà thò chai rượu", thì nhất định Mít sẽ nắm đằng chuôi. Ví dụ: Mít muốn ăn thịt, mẹ bảo: "ăn cơm rồi mẹ cho thịt". Ý mẹ là, xúc thìa cơm xong mẹ cho thịt. Nó ngầm đồng ý trong bụng, nhưng vẫn một mực: xịt, xịt. Không phải đòi để ăn ngay đâu, mẹ cứ cho thịt trước đi, rồi nó sẽ nghe mẹ để cạnh, ăn cơm xong mới ăn... hehe...nhưng cứ phải là đáp ứng cái yêu cầu của nó trước đã. Bây giờ mỗi sáng đi chơi công viên hàng mấy tiếng mà đến giờ về nan giải lắm... Mẹ phải học cách tiến cách lui, thương lượng với nó khó hơn cả làm kinh doanh ấy chứ. Có lần nó ôm chân mẹ không cho mẹ về. Mẹ không mắng nó, mẹ ôm yêu nó khi nó khóc, nhưng mẹ dứt khoát về, không đi nữa. Nó khóc đúng 30 phút, đến mệt quá ngủ trong tay mẹ. Mẹ bế vào giường...giữa giấc tỉnh dậy, câu đầu tiên nó lại ca tiếp bài: đi...chơi...chơi...Vừa thương, vừa sợ nó, vừa buồn cười.

Hehe...nhưng nói chung mẹ khoái cái cá tính của nó. Hiểu nó thì vẫn ngon lành. Nhìn chung là mẹ vẫn thấy nó ngoan.

 

Có lúc trông nó thế này

 

 

Rồi cũng có lúc nó như nai thế này.

 

Làm sao mà không yêu nó được?

 

- Truyện: Quyển truyện yêu thích nhất vẫn là truyện Puppy trước giờ đi ngủ. Tối nào vào giường cũng lẩm bẩm "chiện, chiện, pipi…" rồi đi tìm pupy kẹp nách mang vào. Dạo này hay có kiểu kẹp sách vào nách, rụt cả cổ, băm bổ đi trông như xã đội trưởng ấy.

Mít còn thích truyện Bubu nữa, cứ chỉ Bu bu bảo: Mic, míc…chỉ mẹ Bubu bảo: Mè… Rồi Bubu lạc mẹ là Mít lo lắng lắm, khóc như chơi, Bubu tìm được mẹ rồi là mặt Mít dãn ra, cười sung sướng, ôm lấy mẹ Hằng, cứ như mẹ Hằng là mẹ Bubu, còn Mít là Bubu thật ấy. Đọc truyện nào cũng hóa thân nhân vật như thế. Nên hết truyện là khóc ầm lên đau khổ. Mỗi lần đọc truyện cứ đọc đi đọc lại một quyển thôi, không màng đến quyển thứ hai. Lần sau mới lại sang được quyển khác. Đi chơi ở lớp, cô giáo đọc truyện xong cũng khóc. Mẹ phải giải thích cho cô. Cô và các bà mẹ khác cứ tròn mắt gật gù, kawaii, kawaii (dễ thương quá) hihi… Đâu có biết mẹ Mít khổ sở vì cứ phải đọc đi đọc lại một truyện cả chục lần đến phát ngán ngẩm cả lên.

 

Mít hát:

Bài hát yêu thích nhất là: "o ò o, o ò o…" bài hát chỉ có thế thôi. Hihi… đây là bài hát duy nhất mà Mít tự hát được....còn không thì phải bật mẹ lên làm karaoke thế này.

Mẹ hát Meo meo meo, rửa mặt như mèo (Mít: eo eo eo….mèo)

Xấu xấu lắm chẳng được mẹ yêu (Mít: chấu chấu chấu … mè… iu)

Khăn mặt đâu mà ngồi liếm láp (Mít: đâu đâu… nháp)

Đau mắt rồi lại khóc meo meo (đau đau…. meo)

 

Giám đốc được mẹ làm cho cái ca-táp để đi làm, giám đốc nở nụ cười thu hoạch.

 

 

Nhí văn nhố làm trò

 

,