Hẳn là bất cứ ai khi sống với một nền văn hóa khác đều nhiều lúc À, Ồ, nhận ra những điều khác biệt lạ lùng, không giống với những gì mình đã quen nghe, nhìn và cảm nhận. Thấy kỳ quặc thấy hay hay, ghi lại đây cho bà con cùng giải trí nhá.

Chịu khó xếp hàng (2008.9)

Dân VN mình không hiểu do kém kiên nhẫn hay do được rèn luyện xếp hàng nhiều quá thời bao cấp rồi đâm ra dị ứng với hai từ xếp hàng. Híc, ... cứ nhìn từ con mắt người Việt thì thấy người Nhật sao mà họ chịu khó xếp hàng một cách ... dở hơi. Phổ biến dễ gặp nhất là các quán ăn vào giờ cao điểm, hay các quán ăn có tiếng ngon. Ví dụ như mình mà thấy ăn còn phải xếp hàng thì thôi đi quách quán khác cho xong, người Nhật họ vẫn sẵn sàng chờ, xếp hàng rồng rắn ra cả ngoài cửa, tràn thành dãy dài ngoài đường giữa mùa đông rét buốt, khi mà ai cũng chỉ muốn nhanh nhanh chui vào chỗ ấm. Lạ.

Nếu vào dịp nhặt túi phúc đầu năm, hay sale do mới mở cửa hàng...chẳng hạn, nghĩa là lượng hàng hóa sale có hạn, thì người ta có thể xếp hàng từ hôm trước chứ chẳng chơi. Ấy nhưng đấy là mua quần áo đồ hiệu hàng nghìn Đô, hay cả cái tivi, tủ lạnh giá trị cao, thì túm được hàng sale được hời nhiều còn bõ xếp hàng khổ thế. Chứ như thế này mới gọi là đỉnh cao kinh dị của xếp hàng này:  Ở một cửa hàng mới tung ra thị trường một loại kẹo tươi. Chả hiểu kẹo tươi nghĩa là gì, thấy bảo ăn mềm như ăn socola, híc, dù gì thì cũng chỉ là kẹo, đi mua béng socola mà ăn cho xong. Thế mà người đứng đầu tiên ở dãy xếp hàng được phỏng vấn trả lời là xếp hàng từ 4 giờ chiều hôm trước, 10 giờ sáng hôm sau mới mở cửa. Hàng dài từ tầng 7 của tòa nhà, theo cầu thang xuống tận tầng 1, trải tiếp lẵng nhẵng ra ngoài đường. Còn 2 tiếng rưỡi nữa mới đến giờ mở cửa, mà người ta đã phải yêu cầu khách chấm dứt xếp hàng ở người thứ 500, kẻo nhiều quá ko có mà bán. Người thứ 500 sung sướng nói với phóng viên: May thế.

Đến chịu.

Ăn sống nuốt tươi:

À, cái này cũng lạ nữa. Người Nhật mà nghe nói dân VN mình ăn thịt ếch, hay thịt rắn, thịt chó, thì họ thấy ghê lắm. Cứ như thể dân annamit nhà mình man ri mọi rợ lắm không bằng. Nhưng họ đâu có biết, nếu dân mình mà thấy họ ăn sống thì cũng có cảm giác ghê không kém. Haha...

Ai chẳng biết món ăn nổi tiếng của Nhật là món sushi, ăn cơm với cá sống. Món này ngon lắm đấy nhé, ai không ăn được phí một thời ở Nhật. Thường thì món ăn khi đến với ta đã ở dạng miếng trông nục nạc bóng bẩy ngon lành rồi. Nhưng cũng nhiều khi họ bắt con cá đang bơi, mổ thịt chất lên đĩa cho mình chén tại trận. Người được ăn cứ gọi là trợn cả mắt cả mồm mãi rồi thốt lên những  câu cảm thán đầy cảm xúc: Ngon quá, mềm quá, ngọt quá, v...v...

Trên tivi Nhật không hiếm những chương trình giới thiệu du lịch kiểu bắt cá, tôm, mực ở ao hồ, sông, biển, vừa vớt lên chưa ráo nước, nhét luôn con tôm đang dãy tanh tách trên tay cho vào mồm, vừa nhai cái đuôi tôm vừa dãy ngoáy ngoáy. Bắt được con sò, đập bốp một cái vào đầu gối, vỡ tan cái vỏ cứng, móc ruột chén luôn, vừa chén vừa cười tươi sảng khoái, rồi rú rít với nhau là ngon không thể tả. Choáng. Đảm bảo người VN nào nhìn cảnh đó cũng choáng gấp 10 lần người Nhật khi nghe dân VN ăn thịt ếch. Ít ra thịt ếch còn nấu nướng cẩn thận mới ăn.

Chưa hết, đấy thường là các nhân vật nam trong các chương trình mang tính mua vui. Hôm rồi, mẹ Ổi được xem một cô phóng viên xinh đẹp, trong tour đi các quán ăn nổi tiếng, ghé vào một cửa hàng xếp hàng dài dằng dặc vì có món đặc biệt: món Ikadon (mực chất lên cơm). Mực sống đang bơi bắt lên xẻ thịt, cái đầu mực vẫn nguyên xi được bày biện cho xòe ra một đống râu lồm xồm, hai con mắt mở trừng trừng, trông rất chi là nghệ thuật. Khi rưới xì dầu lên, lũ râu mực xót cong lên như con đỉa phải vôi. He he... Khi cô nàng bỏ cái râu vào miệng cắn, cái râu còn sống  lên gân cứng lại làm chị ta không cắn nổi, ...trời ơi, mắt chị ta cũng trợn tròn y như mắt con mực đang giương lên trước miệng để cố cắn miếng râu mực. Khiếp quá...Thế mà cửa hàng nổi tiếng đến mức lên tivi đấy nhé, dân tình xếp hàng để ăn đấy nhé.

Họ còn bày cách ăn món ruột mực. Đã ai biết ruột con mực ống nó thế nào chưa? Nó là một túi chứa một loại bùn nâu nâu, bầy nhầy, tanh ngòm và bẩn bẩn. Đến mức mỗi lần làm mực, mẹ Ổi cố bóc cái ruột vứt đi thật nhanh vì ghê tay, khi vứt còn phải gói vào cái túi nilon khác cho khỏi lây mùi tanh cho rác. Thế mà họ ăn đấy, ăn sống đấy. Cái ruột đó tuột ra, bóp xì dầu để tủ lạnh qua đêm cho ngấm rồi trộn với cái gì đó nữa không nhớ, thành một món hỗn hợp trông khủng khiếp, mùi chắc chắn còn kinh hoàng hơn. Đến nước này thì xin quì lạy, bái phục dân Nhật về khoản ăn sống, quì mọp đến mức nằm bẹp dí xuống sàn, khỏi ngóc đầu lên luôn. Hihi...

Đấy là nhà Ổi thuộc thể loại nghiền sushi các kiểu đấy nhé, ko phải là không ăn được đồ sống đâu.

 

Màu tím mười giờ dành cho ai? (2008.1)

“Già rồi, ai lại mặc lòe loẹt thế” -  là câu người Việt mình hay nói. Người đứng tuổi phải mặc những màu tối, nhã nhặn mới là phù hợp, mặc lòe lọet bị coi là “cưa sừng làm nghé”. Chỉ có bọn trẻ trung thì mới mặc những màu sắc sặc sỡ. Đương nhiên là thế rồi.

Ấy nhưng ở Nhật thì ngược lại mới là đương nhiên. Ở đây chỉ nói về mức độ đại trà thôi nhé. Không kể mấy chị diễn viên, không kể bọn trẻ tay chơi thành thị thì mốt mét miễn bàn.

Còn thường thì giới trẻ thường mặc những màu rất … “jimi”, nghĩa là tối, nhạt nhòa. Đen, xám, hoặc màu be, màu nâu nhạt là những màu được ưa chuộng nhất. Trang phục công sở thì khỏi nói luôn, toàn một màu xám xịt. Liếc mắt qua các nhà ga đông nghịt người, cũng là một cảnh xám xịt luôn. Nếu có mặc những màu xanh, hồng, vàng,… thì cũng là màu rất nhạt…, hoặc các màu này đã được pha sắc cho dịu, còn gọi là màu chết ấy…À, mà về chuyện này có khi phải viết một bài về thẩm mỹ màu sắc của người Nhật mới được (rất tinh tế mà vẫn rất bản sắc nhé). Quay lại chuyện mặc, nếu thấy ai mặc quần màu cam chẳng hạn, áo xanh nõn chuối chẳng hạn thì hẳn đến 90% đó là người nước ngoài rồi. Hoặc hẳn là các bà già. Càng lớn tuổi càng ăn mặc sặc sỡ. Những màu hồng tím, màu đỏ…thì hầu như chỉ có các bà già mới sài thôi.

 Thế có ngược đời không cơ chứ. Họ bảo: “Bởi vì già rồi phải mặc thế cho nó trẻ trung.”

Nghe cũng có lý đấy chứ nhỉ.  

Có sừng thì cưa đi làm nghé cũng tốt chứ sao, miễn là thấy đời vui. Sao không được, quan niệm ở VN ưu đãi bọn nghé quá hà.

Hehe…xem chừng mình có triệu chứng già rồi đây.

 

Phơi quần áo trong nhà.

Từ một nước nhiệt đới quanh năm nắng gió ấm áp đến Nhật, thật là khó hiểu vì một thói quen lạ lùng của người Nhật: Phơi/treo quần áo trong nhà. Nhà của Nhật vốn đã thấp, chật hẹp, lổn nhổn đồ đạc (tuy rất sạch sẽ nhưng thường chật chội lắm), đã vậy còn treo lủng là lủng lẳng quần áo trông thật bừa bộn lôi thôi. Khi chuyển đến Aizu, vùng khí hậu lạnh, mùa đông hầu như không có nắng, ngoài trời thì lạnh như trong tủ lạnh, mẹ Ổi mới hiểu tại sao họ có nhu cầu phơi quần áo trong nhà. Ở Nhật, việc phơi/treo trong nhà là rất đương nhiên, họ bán đủ các thứ giá inox, dụng cụ phơi để trong nhà. Buồng chiếu thường được thiết kế có 2 nẹp gỗ để bắc một giá góc treo quần áo. Đơn giản vì ngoài trời lạnh không phơi ngoài trời được thì phải để trong nhà, đơn giản vì nhà chật thì phải để cả ở living room. Đấy là phơi, còn treo nữa. Quần áo đã giặt là, hoặc mặc dở cũng treo bên ngoài lủng lẳng. Có lẽ vì theo truyền thống, người Nhật không có thói quen dùng tủ quần áo như kiểu tủ ở VN, mà họ có tủ dạng nằm trong tường, có cửa kéo (oshiire), để đủ các thứ từ chăn đệm, đến mọi thứ oẳn tà roằn. Để phân chia một cái kho như thế, họ thường dùng các thùng có nhiều ngăn kéo, quần áo cũng gấp cho vào các thùng như vậy. Có lẽ vì thế họ ko có thói quen treo quần áo vào tủ, cho khuất mắt, cái gì không gấp được thì cứ việc treo ở ngoài??? Chẳng hiểu người Nhật họ có khó chịu không, chứ mẹ Ổi thì không làm sao quen mắt được. Bừa gì thì bừa chứ cứ nhìn quần áo lủng lẳng là thấy bứt rứt cả người, mẹ hạn chế tối đa trong khả năng có thể để không có cảnh quần áo treo lủng lẳng. Ấy thế mà ở Aizu đã đành, ở những vùng ấm áp như Saitama, người ta vẫn treo trong nhà như thế. Thật là khó hiểu cho những người Nhật vốn tính cực kỳ sạch sẽ ngăn nắp ????

 

Người Nhật và nhóm máu.

Người Nhật rất tin vào sự liên quan giữa tính cách và nhóm máu. Họ cho rằng nhóm máu A thì cẩn thận, tỉ mỉ, ưa sạch sẽ, ưa chính xác.... Nhóm máu B thì ngược lại: Amatơ, đại khái, chỉ chú ý đến cái đích cuối cùng. Nhóm máu AB thông minh, biết kết hợp cả A lẫn B, còn O thì thế nào nhỉ: Dễ hòa hợp hay gì đó quên rồi. Đặc điểm chung của đa số dân Nhật là giống như tính cách mà họ gán cho nhóm máu A. Vì thế người Nhật cũng thường không thích luôn những người có nhóm máu B, vì những người ưa cẩn thận tỉ mỉ thì rất khó chịu với những người đại khái mà. Thế là họ rất hay hỏi nhau xem người kia nhóm máu gì, để chọn bạn. Nhiều người còn kể lúc trước họ rất tốt với mình, sau rồi thấy mình nhóm máu B là họ lảng, chẳng chơi nữa. Còn mẹ Ổi, hồi mẹ Ổi dạy một lớp có 10 học sinh Nhật. Trong đó có một cậu hay đi học muộn, hay ngủ gật trong giờ, rất sôi nổi, chịu khó nói dù sai cũng chẳng để tâm nhiều, làm bài tập cũng hay cố tình đặt những câu quái dị đặc biệt so với câu mẫu. Cậu này vô hình chung trở thành con cừu đen của lớp. Các bạn khác coi thường. Một hôm cả lớp nói chuyện về nhóm máu. Bọn chúng bảo. Trong lớp chỉ có 2 đứa nhóm máu B, chẳng cần nói cô giáo cũng biết là ai rồi đấy. Chúng có vẻ coi thường ra mặt khi nói đến từ nhóm máu B. Và khi mẹ Ổi nhận xét: Nếu nói thế thì chắc người Nhật rất nhiều nhóm máu A, tên lớp trưởng đạo mạo và hiểu biết nhất bọn khẳng định vẻ đầy tự hào: 3/4 người Nhật là nhóm máu A. Nếu nói thế này chắc người VN 3/4 là nhóm máu B. Mẹ Ổi cũng bắt đầu tin tin cái lý thuyết nhóm máu thật, vì trong lớp đó 10 đứa thì có đến 6 đứa nhóm A, chỉ 2 đứa nhóm B. Còn nhà Ổi thì bố Ổi và mẹ Ổi đều B cả.

Ấy thế mà hôm rồi search Internet thống kê nhóm máu của các nước thử xem mới thấy bất ngờ. Người Nhật: A 38 % B 22 % hoàn toàn không có gì đặc biệt so với các nước khác. Người Việt Nam. A: 22%, B:30%. Tuy đúng là ở Nhật nhiều A hơn B, và VN thì ngược lại thật, nhưng khoảng cách giữa hai nhóm này cũng không phải là quá chênh lệch.

Còn ở châu Âu thì người Đức nổi tiếng là kỷ luật, tỉ mỉ khó tính giống kiểu dân Nhật, còn người Pháp thì nổi tiếng amatơ, thì sao: Đức: A: 43%. B: 11%, còn Pháp: A47%, B: 7%.

Đấy, thế nên nếu ai nhóm máu B mà chơi với người Nhật thì đừng dại mà khoe ra nhóm máu của mình kẻo lại bị chụp mũ rồi bị ghét đấy.

Tham khảo: http://www.bloodbook.com/world-abo.html

 

Xính hàng hiệu

Có một lần mẹ Ổi đọc một bài báo thấy nói 80% số lượng hàng hiệu sản xuất ra trên thế giới là tiêu thụ ở Nhật. Ồ, thảo nào. Người Nhật cực kỳ xính hàng hiệu. Chẳng cần phải dân nghệ sĩ hay thương gia lắm tiền nhiều của đâu mà công chức làm công ăn lương bình thường cũng dùng đồ hiệu, toàn dân dùng đồ hiệu. Hầu như bà nào cô nào cũng phải có vài ba cái túi Brand. Thường thì một cái túi đồ hiệu giá từ khoảng vài trăm đến vài nghìn USD. Còn với dân chơi thì có thể sài những thứ cao giá hơn rất nhiều. Ở một cửa hàng của Channel ở Ginza, đồ một cô manơcanh mặc trên người (quần, áo, túi xách, giày) có giá khoảng 30,000 USD, riêng cái áo khoảng 6,000 USD. Vậy mà số lượng của hàng của hãng này tăng từ 4 cửa hàng lên 26 cửa hàng chỉ trong vòng 9 năm. Thế là đủ biết số lượng hàng hiệu tiêu thụ ở Nhật khủng khiếp thế nào. Có cả một chương trình tivi tìm hiểu về sự yêu thích hàng hiệu của họ, theo chương trình này thì cái túi đồ hiệu đắt nhất bán ở Nhật có giá 1000 Vạn yên, nghĩa là khoảng 100,000 USD. Olala, mua được cả một căn hộ cao cấp ở VN rồi. Chương trình này phân tích đủ điều, cuối cùng thì họ đưa ra là bản chất sâu sa vẫn chỉ là muốn chạy đua cho bằng chị bằng em, và thể hiện tiềm lực kinh tế của mình . Họ ví việc đua nhau đi dùng  đồ hiệu cũng giống thế này: Một anh chàng đi qua một quán ăn, thấy sao ở trong đó hôm nay đông thế, bắt đầu tò mò ngó vào thì thấy ai cũng uống một loại rượu X. Anh này thấy lạ hỏi: Hôm nay là ngày gì vậy? Tại sao ai cũng uống rượu này?. Nhưng ko ai trả lời anh ta cả. Mọi người chỉ bảo: Ồh, thế mà không biết à. Thế rồi anh ta cũng uống theo, dù chẳng hiểu gì. 1 năm sau. Vẫn hình ảnh anh ta nốc rượu đó giống mọi người, trong đầu vẫn một dấu hỏi to tướng vì sao mình uống, và lại trả lời người khác cũng với câu: Thế mà ko biết à. Hihi ... Chương trình còn quay cảnh rất nhiều người đeo túi brand nhưng lại chui vào cửa hàng 100Y mua đồ rẻ tiền để tiết kiệm.

Kể ra đồ hiệu nhìn cũng thích mắt thật. Nhưng đối với mẹ Ổi thì không phải là tất cả đều đẹp và hợp lý với giá tiền của nó, dù gì chứ vài nghìn USD một cái túi thì đúng là crazy. Chắc cũng vì mình vẫn còn chém to kho mặn quá.

Sinh họat trên mặt đất

Người Nhật vốn không dùng giường. Khi đi ngủ thì trải chăn đệm ra sàn nhà ngủ, sáng dậy lại gấp lại cất vào tủ. Ngày nào cũng vậy. Có bẩn không? Không hề bẩn tý nào, chỉ lích kích tý thôi. Một căn nhà truyền thống kiểu Nhật thường làm bằng gỗ, sàn hành lang bằng gỗ, còn trong nhà chia thành các gian đều lát chiếu. Chiếu kết với một cái đế thành tấm lát thẳng xuống sàn chứ không phải là trải chiếu. Dép luôn để ngoài tiền sảnh. Bước chân qua bậc cửa là sạch sẽ vô cùng, từng cm trên sàn nhà. Vì thế chẳng ai thấy mind chuyện ngủ dưới đất. Hơn nữa người Nhật làm gì cũng toẹt xuống đất. Bàn cũng thấp, ngồi tịt xuống chiếu, chứ ko dùng ghế cao. Có thể nói mọi sinh họat đều dính tịt xuống sàn nhà. .

Bây giờ thì đã có nhiều nhà cách tân kiểu Âu nhưng thường thì trong một căn hộ thế nào cũng phải có 1 vài buồng lát chiếu kiểu Nhật. Người Nhật thì không quen nằm giường nên vẫn thích nằm đệm ở phòng chiếu, còn mình, dù sao vẫn có cảm giác nằm tịt xuống đất nó cứ thế nào ấy. Hihi ...

 

Tại sao con gái Nhật chân cong?

Con gái Nhật theo mắt mẹ Ổi thì về đại trà là xinh hơn con gái Việt Nam, da trắng hơn, mịn hơn, mũi cao hơn nên trông thanh tú hơn cái đã. Chỉ tội số nàng chân cong hơi bị nhiều. Nhìn dáng đi của một cô đi trên đường là đủ biết là gái Nhật hay không rồi. 10 người thì 9 người rưỡi đi sao cho hai đùi khép tịt lại, đầu gối chụm vào nhau, còn phần chân ở dưới thì xòe ra. Cái dáng đó về cơ bản trông cũng nữ tính, nhưng nhiều nàng thì thái quá khủng khiếp, bước đi trông vô cùng thảm hại, chân cứ đánh văng ra hai bên, vặn và vặn vẹo, nhìn mà thương thay. Chả biết đó là vì di truyền hay vì cái gì, nhưng theo mẹ Ổi thì vì

1. Người Nhật cho rằng đi chân khép vào như vậy là đẹp. Ngày xưa các cô mặc kimono cũng đi chúm chúm như vậy mà. Chắc từ bé đã tập đi khép như vậy, rồi dần dần nó thành chòe ở dưới ra để giữ thăng bằng khi cơ thể ngày càng cao. Hihi .... Và nhiều cô thì chõe quá thể.

2. Mùa đông ở Nhật rất lạnh. Mà các bé gái Nhật từ bé đến lớn đi học mặc đồng phục là chỉ đi cái tất ngắn ở dưới, mặc váy ở hết cả đùi ra. Lạnh thế thì phản xạ tự nhiên là khép đùi vào cho đỡ lạnh thôi. Từ bé đến lớn thành ra quen. Hihi ... có lý không nhỉ.

 

Váy càng lớn càng ngắn.

Ở Nhật rất buồn cười, đồ đồng phục của học sinh lớp càng cao càng ngắn. Bọn tiểu học thì dài qua đầu gối, trung học bắt đầu trên đầu gối, còn nữ sinh cấp 3 nhiều bé mặc váy chỉ chùm qua mông. Bọn học sinh thì đứa nào đứa nấy béo ịch, đi lại nói năng huỳnh huỵch, nhưng chả hiểu sao thành người lớn là đứa nào cũng gầy gò mình hạc xương mai hết cả, miệng líu lo như chim, mắt hiền như thỏ. Cứ như là lột xác hết vậy.

 

Túi xách của con gái Nhật

Con gái Nhật thường dùng túi 2 quai, xách hoặc đeo ở tay, ít khi dùng loại quai dài đeo qua người.  Chắc họ thấy kiểu đeo vắt ngang người không điệu, nên hầu như chỉ có các bà mẹ nuôi con nhỏ ko cần đẹp bằng tiện dụng thì mới hay dùng. Túi xách ở tay, gập cái khủyu tay lại một tý mà xách đi trông cũng điệu lắm. Vấn đề là ở chỗ, túi của họ thường rất to và rất nặng mà sao họ đeo ở tay giỏi thế. Hồi ở Saitama mẹ Ổi vẫn nhớ mỗi lần đi làm là phải hạn chế tối đa đồ trong túi, cái gì bỏ lại được là bỏ lại, chỉ thêm một quyển sách mỏng hoặc thêm một chai nước là tình hình sẽ khác hẳn, hôm đó đi về sẽ bải hoải cả người. Vì ở thành phố lớn đi lại bằng tàu điện, có ghế thì không sao, lúc phải đứng đương nhiên phải đeo túi. Rồi thì đi bộ nữa chứ. Xách cái túi nhẹ tâng nhưng cứ thứ liên tục xách trong 2 tiếng xem sao. Ấy vậy mà thật lạ, bọn con gái Nhật đứa nào cũng xách một cái túi to tổ bố. Bên trong đủ các thứ, ngoài những thứ cần thiết cho công việc chắc chắn nhiều hơn túi của mẹ Ổi ở đống đồ trang điểm, một quyển sách nhỏ đọc trên tàu, một chai nước, rồi thì khăn tay, rồi thì ví tiền, rồi thì oản tà roằn những gì không biết, chỉ biết liếc vào là thấy chật căng, sắp xếp rất gọn gàng.

 

Tivi không có chuyển chương trình

Thường thì chương trình tivi ở VN thường bắt đầu bằng một đoạn choèn choen choen, và vài hình ảnh đưa ra cái tít của chương trình đó: Bảy sắc cầu vồng chẳng hạn, hay Ở nhà chủ nhật chẳng hạn, Chuyện nhà nông chẳng hạn. Không bao giờ kết thúc hay bắt đầu một chương trình mà không có giới thiệu. Còn ở Nhật, có thể đang xem cái này, sau một màn quảng cáo là ịch luôn sang cái kia, ớ ra một lúc mới hiểu cái chương trình kia hết mất rồi.

Ái nam ái nữ

Giới nghệ sĩ (geinojin) của Nhật rất nhiều nhân vật ái nam ái nữ,nhưng hơi ngạc nhiên là họ được chấp nhận một cách công khai khi họ đóng các vai trò là các nhân vật chính thực hiện các chương trình truyền hình giải trí. Có những nhân vật nhí nhố làm họat náo viên, nhưng cũng khá nhiều nhân vật ái nam ái nữ rất nổi tiếng mà hoàn toàn nghiêm túc. Họ cũng chẳng ngại đưa lên tivi cả câu chuyện ca sĩ đó đã trải qua qua trình biến từ nam thành nữ như thế nào. Và nhiều ca sĩ ái nam ái nữ vẫn rất được ưa chuộng và được mọi người tôn trọng.Nhưng dù sao thì mẹ Ổi cũng chẳng thể mê được mấy anh đàn ông mà son phấn lòe lọet rồi uốn a uốn éo.

 

Người Nhật rất thích chuyện ma.

Ối, mới viết đến đây đã thấy run run. Cả nhà đi ngủ hết rồi. Người Nhật lạ chỗ họ rất hứng thú với chuyện ma. Người ta rất hay đề cập đến ma. Trên tivi còn có cả một chương trình tên là: "Những chuyện đáng sợ hoàn toàn có thật", tập hợp lời kể của mọi người và dựng lại. Sợ và phong phú đến mức mẹ Ổi chẳng tin là người Nhật sao gặp lắm ma đến thế, chắc là bịa ra thôi. Chuyện ma ở VN mọi người chỉ truyền miệng nhau còn về mặt chính thống thì vẫn bị coi là vớ vẩn, mê tín, làm gì có thật.... Nhưng ở Nhật thì đưa cả lên tivi như vậy. Rồi chương trình trẻ em hàng sáng có hẳn một phần phim rối nhiều tập tên là Trường Tiểu Học Ma. Cô giáo là con ma, bình thường ngọt như mía lùi, mà cáu lên thì trông khiếp đảm, các học sinh đến đó sẽ học được những chuyện về thế giới ma quỉ. Hihi ... thế nến trẻ con nứt mắt ra là đã làm quen với ma rồi. Hồi Ổi mới 2 tuổi, đi nhà trẻ. Có hôm mẹ đến đón về đi qua bụi cây con cứ bảo: Sợ, sợ .... Mẹ gặng hỏi mãi tại sao con mới nói: Cô giáo bảo trong đó có ma. Ối giời ơi, chắc lúc đi sampo (đi dạo chơi) qua đó. Ở VN thì sẽ ko thể hiểu nổi tại sao cô giáo lại nhồi vào đầu trẻ con những thứ đó.