ASIAD Du ký

Tốp đầu tiên khởi hành lúc 5h30 sáng thứ bảy, có hai đồng chí Liêm và Thành ra tiễn tron màn sương mù "lưu luyến". May mà bác tài chấp nhận cho “năm anh em trên một chiểc xe tăng”. Đến ga Taejon, vì không biết tiếng Hàn nên đồng chí V.T đưa ngược tờ giấy con giun mà đồng chí Trung gửi, làm cho thằng nhân viên bán vé mất 3 phút mới hiểu ra là chúng ta định... làm gì nó.

Sau một giấc chập chờn, tàu đến Busan. Anh em ra cửa ga, đập vào mắt là những mảng đồi dốc đến 30 độ chi chít những nhà là nhà, xe và người đi như mắc cửi (xem ảnh). Hình như trong xe ôtô nào cũng thủ vài khúc gỗ để chèn bánh.

Nào tiến lên ! Mọi người như chợt tìm được cảm giác của cậu bé Rêmi khi bắt đầu cuộc dấn thân mới (“Không gia đình” tập 2). Đường xe điện ngầm của Busan khá đơn giản, chỉ có hai tuyến và một chỗ đổi tàu duy nhất. Trong đường hầm, chợt trông thấy đứa trẻ Hàn cầm trên tay một lá cờ Việt Nam nho nhỏ, lòng bỗng như rộn lên. Chui lên khỏi subway, đúng chỗ mà đồng chí Sự đã dặn, anh em lúng túng mất một lúc. Bất ngờ trông thấy cái xe buýt treo băng rôn chỉ đến nhà thi đấu, anh em vẫy tay loạn xạ. 

Buổi sáng đầu tiên:

Chiếc xe buýt hồng hộc leo lên leo xuống những cái dốc chật hẹp, đông đúc và ngoẹo đến ù tai (triệu chứng có thật). Cuối cùng anh em đến nơi, đành lòng mua vé với giá 3.000/chiếc, rồi háo hức lao xuống để rồi chui vào một cái phòng thi đấu ...lặng ngắt như tờ. Đang biểu diễn cái gì như thái cực quyền, một không khí nhàn nhạt được tô điểm bởi những cờ quạt rực rỡ và tiếng hoan hô gượng ép. Kìa có hẳn một ô riêng đầy màu cờ VN, cả hội lôi cờ mình ra xông đến. Đám người quay lại: “Bết-thư-nam ?”, thất vọng! đấy chỉ là một tổ dân phố được huy động mặc áo cầm cờ VN. Không hiểu sao họ còn bắt mình mua vé:( . Anh em được phát áo nhưng cuối giờ phải trả lại. Thời gian còn lại không có gì để kể nữa.

 

Buổi chiều:

Bữa ăn trưa giá rẻ, chất lượng lại không tồi trong trường đại học làm anh em phấn chấn trở lại (riêng tớ còn được thưởng thức đến 5 phút một "wonderfull high-view landscape with fresh mountainy breeze" từ trong... toalét)1. Giờ chúng ta đến nhà thi đấu khác để xem Taekwanđô, niềm hy vọng vàng của VN. Hết vé, chỉ còn vài đám người Hàn đứng ngơ ngác bên ngoài phòng vé. Cả hội ủ rũ, bàn nhau ra bến cảng hoặc bãi biển chơi. Tôi đứng ngoài cửa xoát vé nhìn vào, nao lòng khi thấy cờ VN đang đảo liên hồi trong tiếng hò reo ầm ĩ (thực ra bên trong chỉ có mình cậu Hà K37BK, nhưng cũng là cổ động viên tích cực nhất). Chợt có hai ông người Hàn đi vào, sao lại thừa một vé thế kia. Ông ta cũng như bắt gặp ngay cái nhìn hau háu của tôi. Tôi hô ngay cho Đức con đang đứng gần ông ta. Thế là vớ được một vé, giơ luôn cho bà soát vé, lại chỉ trỏ thêm mấy thằng khổ não xung quanh. Lại “Bêt-thư-nam ?”, gật đầu ngay, thế thì cho vào. Mừng húm, qua cửa vẫn chưa tin mình gặp may như thế. Tiếng gào hét, vỗ tay, kèn trống của đám đông khổng lồ vây quanh hai sàn đấu, VN lại đang dẫn 3-1. Thế nhưng các trận đấu hôm đấy của VN không tốt lắm. Dẫu sao vẫn khản cổ với những trận thắng của Phan Tấn Đạt (xem ảnh chụp chung với Vieticu) để dẫn tới trận chung kết. Cả hội nhập vào ô của VĐV Vietnam. Một ấn tượng đẹp là các VĐV võ thuật của Vietnam rất hiền, cởi mở. Tất cả đều cùng có chung cảm giác người trong một nhà.

 

Chuyện bé cái nhầm:

Buổi sáng CN, anh em tiếp tục vào xem biểu diễn Ủ-su. Lần này các bài thi đều nhanh mạnh, đẹp mắt. Tớ đặc biệt thích cô bé Mỹ Đức (xem ảnh), không hề thua kém Thuý Hiền cả về tài và sắc. Sau màn biểu diễn của Mỹ Đức là một VĐV Vietnam khác mà trên màn hình hiện tên là “Nguyen T T”. Chú Kiên, đứng trên cách cô bé 3-4 mét, hấp tấp gọi xuống “Thuý Hiền ơi cố lên cho anh được chào cờ”. Cô bé chỉ cười mỉm . Mọi người hô theo “Thuý Hiền Cố lên ! Thuý Hiền Cố lên !” Riêng tớ, cũng đứng ngay đấy cam đoan không phải Thuý Hiền, ra giọng trách móc chú Kiên gọi nhầm làm ảnh hưởng tâm lý người ta. Mọi người đều biết Thuý Hiền trên báo đẹp đẽ thế nào, còn cô này gày gò, má hóp, da mỏng lại xám mai mái, chẳng thể nào là Thuý Hiền được. Chú Kiên cũng có vẻ rất hối lỗi. Kết quả cuối cùng của cô bé cũng chỉ trung bình. Khi cô bé đi vào, chú Kiên còn hô với theo “em ơi cho anh xin lỗi, anh gọi nhầm tên em”. Cô bé cũng không nói gì. Mọi người đều thông cảm cho cô bé lính mới này.

Thế nhưng về nhà đọc báo tớ mới sững người, thì ra đấy là... Thuý Hiền thật. Sao lại đến nông nỗi này hả em. Cũng đúng thôi, người ta đã cống hiến cho Tổ quốc nhiều rồi, bây giờ phải dành bớt cho chồng con chứ. Đồng chí nào chưa hiểu rõ vấn đề, xin cứ trao đổi thêm tại các buổi “Xô-jú”, sẽ được nghe những nhận xét của những tên đã có kinh nghiệm... “liếc gái” cả thời thanh xuân. Còn ở đây thì xin phép miễn phân tích thêm.

... 

(Chuyến đi này còn nhiều chuyện khá thú vị nữa nhưng mọi người đùn đẩy nhau và cuối cùng thì do để quá lâu nên chẳng  ai còn cảm xúc để viết lại nữa :-)

 

Chú thích:

1. Địa điểm thi đấu đấy là của một trường Đại học, trường này lại nằm ở trên một sườn núi rất thoáng :-)