@

Bài này lại viết cho bố mẹ nữa

Hôm nay vô tình bà hỏi: Tranh của Ổi ở triển lãm được xếp thứ mấy?

Mẹ giải thích với bà, triển lãm tranh lần này là nhân ngày của bố, bé nào cũng được triển lãm cả, và không có trao giải xếp thứ. Câu hỏi của bà làm mẹ nhớ ra ở Nhật, mẹ nghe nói đã từ lâu ngành giáo dục không còn chế độ xếp thứ. Ngẫm ra mới thấy đó là cách giáo dục rất phản giáo dục. Đúng là khi ta xếp thứ 2 thì ta sẽ muốn quyết tâm cố gắng để xếp thứ nhất, chứ cứ thử nghĩ mà xem, nếu ta xếp thứ 10-15 ta có còn muốn cố nữa không? không, ta sẽ nghĩ, ta chỉ là mức trung bình vậy thôi. 10 hay 15 cũng nơ nớ nhau thôi. Còn những bạn đội sổ hoặc gần đội sổ thì sao?. Mẹ còn nhớ ngày xưa đi học những bạn ấy thật vô cùng tội nghiệp, cứ bị nhìn với con mắt dè bỉu như đồ bỏ đi, như những đứa kém cỏi đần độn không bao giờ cải tổ được. Nhưng mà mẹ nghĩ, những bạn đó có thể kém về đầu óc, về chuyện học hành nhưng không có nghĩa là tồi về nhân cách. Việc xếp thứ có thể đã rất ảnh hưởng đến hình thành nhân cách của những bé ấy, chúng hoặc sẽ không đủ tự tin để làm việc gì, hoặc sẽ chai lì không còn coi cái gì là quan trọng nữa...

Đang cao hứng tuôn trào với bà, bỗng mẹ khựng lại. Nói thế thì cái việc mẹ đang làm mấy tuần nay có khác gì đâu.

.....................

Mẹ lặng đi, bần thần suốt từ sáng đến giờ. Mỗi lần con đi học về, ăn xong sớm là vui vẻ báo tin, ngày nào xong muộn là lẳng lặng không nói năng gì. Mẹ cũng đã thấy có gì không ổn. Mẹ thương Ổi, mẹ không hỏi Ổi hay giục Ổi đóng dấu xanh đỏ nữa. Giờ thì rõ rồi. Chính mẹ đang nhồi vào đầu Ổi ý thức về việc Ổi ăn chậm nhất lớp là đáng xẩu hổ chứ mới đầu Ổi có để ý đâu. Thôi, mẹ sai mất rồi...

Con tự tin, con vui vẻ mới là quan trọng, quan trọng hơn nhiều so với việc ăn chậm hay ăn nhanh bố nhỉ.

Thôi, từ mai mẹ phải thay đổi, bỏ chế độ dấu đỏ đi. Cứ khi nào ăn nhanh thì được đóng dấu khen, nhiều dấu khen sẽ được thưởng ... dạy con bằng khuyến khích chứ không phải bằng áp lực... chính mẹ đã tự nhủ thế cơ mà.

Bố ơi, đừng dùng từ gphạth nữa nhé. Ví dụ thay cách nói rằng ăn chậm thì phạt không cho xem phim sẽ là, nếu được dấu khen thì được xem phim. Như vậy sẽ tốt hơn.

Ổi có bao nhiêu điều để tự hào, lúc nào Ổi cũng tin mình là đứa trẻ ngoan. Gì chứ bố mẹ chỉ cần nói làm như vậy là không ngoan là Ổi từ bỏ ngay. Nhưng riêng chuyện ăn, chính trong công cuộc chấn chỉnh ăn uống hàng ngày, dần dần bố mẹ đã làm Ổi tự nghĩ mình ăn hư. Có lần mẹ căn vặn con sau bữa ăn: gtại sao con ăn chậmh. Ổi khó khăn lắm mới trả lời được: gTại vì con không ngoanh. Lúc ấy mẹ đã giật mình nhận ra mình lại sai khi để con nói câu đó rồi. Ổi cần có lòng tin con luôn là đứa trẻ ngoan, chỉ khi đó con mới muốn tiếp tục ngoan. Nếu con đã chắc mẩm con là luôn ăn không ngoan rồi thì con sẽ cảm thấy chẳng còn gì để mất nữa.

Sau này cũng vậy, những việc khác cũng vậy ... Phải làm sao cho con tin rằng con hoàn toàn có thể làm tốt một việc nào đó thì con mới muốn làm và sẽ làm được. Để con tự nhận mình kém trong một việc nào đó là thất bại rồi, phải không bố?

Trong cuộc sống hàng ngày có biết bao nhiêu tình huống, mà mẹ chẳng bài bản gì cả. Chiến dịch vừa rồi tuy rằng cũng có kết quả về chuyện ăn, nhưng lại phạm sai lầm trong chuyện khác. Vẫn còn kịp để sửa bố nhỉ, đừng bao giờ nhồi vào đầu con sự xấu hổ kiểu ấy nữa bố nhé. Khuyến khích con cố gắng không phải bằng cách để con xấu hổ vì thua kém. Sai quá là sai rồi....

Chính mẹ cũng đang phải tự học cùng với mỗi ngày khôn lớn của con...Ôi, dạy con sao mà khó quá...

@

@

@