Một lần, từ ngày Ổi còn bé, bé lắm, chắc chỉ 2 tuổi thôi, mẹ không nhớ nữa, mẹ thấy Ổi chơi gì đó xem chừng có vẻ hơi mắc một chút, Ổi nói luôn: “khó lắm”. Mẹ giật mình, con đã học được từ “khó”, và dường như con hơi quá dễ dàng để dùng từ đó. Mẹ không muốn như vậy, cho dù con mới chỉ là đứa trẻ 2 tuổi.

Ổi chỉ học từ người lớn thôi, Ổi chỉ bắt chước thôi. Nhìn lại mình, mẹ thấy bởi vì chính mẹ cũng hay dùng từ đó. Chơi với con có khi mẹ cũng nói: “khó nhỉ”, hay là với một việc Ổi muốn làm, ngoài sức của Ổi… bình thường trong tiếng Việt, người lớn rất dễ buột miệng nói: “À, việc đó khó lắm, con/cháu chưa làm được đâu”, …vô hình chung tạo cho trẻ con thói quen “ngại khó”. Khi có một chút gì mắc mớ, chúng cũng sẽ nói luôn: “Việc đó khó lắm, Ổi không làm được đâu.”

Từ đó trở đi mẹ tránh dùng từ “khó” với Ổi. Mẹ chỉ nói: à, việc đó con còn nhỏ nên chưa làm được, … việc đó có thể làm con bị đau nên để mẹ giúp, ….. con muốn đọc bài 70 thì con phải học lần lượt các bài trước đã (khi Ổi muốn đọc ngay bài tiếng Việt cuối sách)… Để Ổi hiểu rõ việc ấy tại sao Ổi không nên làm (thực ra chỉ là chưa làm được chứ không phải là việc đó khó), hay là Ổi sẽ hứng khởi đến cái ngày được làm việc nào đó.

Tất nhiên, đó chỉ là cố gắng của mẹ. Còn Ổi thì vẫn có khi nói: Khó lắm, con không thể làm được – với những việc Ổi có thể làm nhưng Ổi ngại. Thế là mẹ lại phải dạy thêm: Việc gì mà con chưa làm đã nói không làm được là không tốt. Con phải làm thử thì mới biết được chứ. Việc gì cũng có thể làm được, nếu mình cố gắng.

Mẹ dạy Ổi như vậy, rất nhiều, rất nhiều tình huống hàng ngày…. Để rồi bây giờ 5 tuổi thì Ổi cũng thấm nhuần tư tưởng.

Hôm nọ nói chuyện với ông ngoại. Ổi khoe: Cháu có thể đi bộ từ nhà đến trường bố cháu đấy.

Ông hỏi: xa thế cơ à? thế là bao nhiêu km?

Ổi tự hào: 3 km cơ đấy.

Ông không tin: 3 km thì Ổi đi bộ làm sao được. Xa lắm, mỏi chân lắm

Bố đỡ lời: Không, lần đó là Ổi đi xe đạp

Ông: à, thì ra là đi xe đạp.

Ổi: đi bộ cháu cũng đi được thôi

Ông: đi bộ thì khó hơn nhiều. Ổi không đi được đâu.

Ổi: cháu đi được mà

Ông: xa đấy, 3 km thì xa lắm. Ổi làm sao đi được.

Ổi cáu: Cháu cố gắng là sẽ làm được. Chưa đi mà ông đã bảo là cháu không đi được thế là không được.

Hihi… Ông cũng nhận ra sai lầm của mình rồi, nói lại: đúng rồi, chưa làm mà đã nói là khó là không được.

Đấy, đừng ai nói với Ổi là việc XYZ nào đó khó lắm, Ổi sẽ không làm được đâu nhé…Cho dù thực tế là Ổi không làm được đi nữa. Vì mẹ con cháu vẫn đang cùng nhau cố gắng loại khỏi từ “khó” ra khỏi từ điển trong đầu. Mẹ mong con trai mẹ sau này sẽ trở thành người đàn ông mạnh mẽ, dám đương đầu với thử thách, đừng chưa làm đã ngại khó nghe con.

 Ổi cũng thuộc lắm rồi, bài hát: Akiramenai, Akiramenai, Sukoshizuttsu gabareba kittodekiru….(Không nản lòng, không nản lòng, cố gắng từng tý từng tý một, dứt khoát sẽ làm được thôi)